Cẩm nang stereotype

Một khảo sát cho thấy rằng: “Tất cả chúng ta, kể cả người cởi mở nhất, cũng có cho mình một thành kiến ngầm về vấn đề nào đó”. Từ trước đến nay, định kiến luôn là một chủ đề gây tranh cãi, và thường được nhắc đi kèm với những tính từ tiêu cực. Nhưng nếu ai cũng có một thiên kiến riêng, vậy có cách nào để tận dụng nó nhằm đem lại lợi ích cho mình không nhỉ ? 

Tớ đã từng thấy nhiều HR cởi mở chia sẻ về việc họ dùng chiêm tinh để đánh giá sơ bộ ứng viên, tớ nghĩ thế chắc toi đời mình rồi, vì tớ hiểu rõ cái bản đồ sao của tớ có vấn đề gì mà. Một thời gian dài tớ cũng chỉ nghĩ rằng, việc phân loại con người dựa vào bất cứ thứ ngụy khoa học gì, hay linh cảm gì thì đều không nên. Dần dần sau này, khi bị thuyết phục trở thành một con mọt “tâm linh”, tớ đã hiểu ra tại sao mọi người có định kiến, và trong nhiều trường hợp, nó sẽ giúp người ta đọc vị và chọn người tốt hơn. Sau đây là 3 bước cơ bản trong cẩm nang chọn người của mình:

  1. Rèn luyện trực giác 
  • Vì vốn dĩ việc phân loại người khác là một phần trong bản năng tự nhiên để con người có thể chọn được những người bạn đồng hành phù hợp, nên một trực giác tốt sẽ là con đường tắt để việc nhìn người trở nên chính xác hơn. Những CEO như Steve Jobs và Richard Branson cũng dùng trực giác làm yếu tố quan trong trong quá trình đưa ra những quyết định của mình. 
  • Tưởng chừng như đây là một kỹ năng khó cải thiện, ta có thể từng bước phát triển nó bằng những hoạt động như: thiền, tìm hiểu về bản thân (viết nhật ký, tìm đến tư vấn viên,..), tập trung vào những điều nhỏ bé trong cuộc sống, tận dụng những cơ hội liên quan đến sáng tạo, và tập cách ứng xử trước những tình huống bất ngờ,…
  1. Nhận diện được định kiến mà mình đang có 
  • Không thể tránh khỏi những lúc bản thân cảm thấy không hợp “năng lượng” với một vài người cụ thể dù chưa qua tiếp xúc quá thân mật. Dù đó là sự đố kỵ hay ghen ghét, ta cũng cần chấp nhận cảm xúc của mình, xác định được gốc rễ của vấn đề rằng liệu đó có phải do định kiến cá nhân không, và định kiến về nhóm người đó là gì ? Việc xác định vấn đề này sẽ cho ta hiểu thêm về những khuyết điểm của bản thân, và sẵn sàng cho bản thân cơ hội để tiếp cận nhóm người này với góc nhìn cởi mở hơn.
  1. Không quá cực đoan trong việc đưa ra định kiến
  • Ta nên luôn quan điểm rằng định kiến chỉ là một cheat sheet để tham khảo, bởi không phải ai có cung Thiên Bình đều chắc chắn là đào hoa, hay không phải ai dậy 5 giờ sáng hàng ngày cũng là người thành công. Tất cả những điều trên chỉ là những định kiến, bởi con người luôn không ngừng học hỏi và thay đổi tùy thuộc vào môi trường xung quanh. Ta hãy luôn tiếp cận định kiến một cách khách quan, sẵn sàng giao tiếp với những người “không hợp năng lượng” để hiểu hơn về tâm lý của họ, từ đó có cái nhìn bao quát hơn về các khuynh hướng tâm lý của con người.

Việc loại bỏ hoàn toàn định kiến trong ngày một ngày hai là không thể, nhưng ta có thể xem chính những định kiến ấy là tài liệu để hiểu thêm về bản thân. Điều đó chắc chắn sẽ giúp ta rất nhiều trong quá trình phát triển để trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình.

3 responses to “Cẩm nang stereotype”

Leave a comment

Design a site like this with WordPress.com
Get started